Cúng tạ đất là gì? Cúng ở trong nhà hay ngoài trời? Thời gian cúng như thế nào mới đúng?
Thật ra, cúng tạ đất là một nghi lễ mang ý nghĩa tri ân những người đã khai phá, xây dựng và gìn giữ mảnh đất mà chúng ta đang sinh sống. Đây là cách để bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân, anh hùng dân tộc, và những người đã góp phần tạo nên vùng đất này – những người trong tín ngưỡng dân gian thường được xem là thần linh thổ địa.
Khi mua nhà, chúng ta chỉ thanh toán cho người bán hiện tại, nhưng chưa từng “trả ơn” cho những người đã khai hoang, sinh sống và bảo vệ mảnh đất từ thuở ban đầu. Vì vậy, cúng tạ đất chính là một cách thể hiện lòng biết ơn với người xưa, kể cả những chủ cũ từng sống và gắn bó với nơi này.
Về việc cúng ở đâu, bạn có thể cúng trong nhà hay ngoài sân, miễn là nằm trong phạm vi đất của mình. Điều quan trọng là chọn nơi trang nghiêm, sạch sẽ, yên tĩnh và thoáng đãng, tránh những khu vực có mùi hôi hay không gian lộn xộn, ô uế.
Thời điểm cúng tạ đất cuối năm
Lễ cúng tạ đất là một phong tục đẹp, phổ biến trong đời sống dân gian. Khi tôi chưa biết đến Phật pháp, gia đình tôi vẫn đều đặn cúng lễ này hàng năm. Thời điểm thường diễn ra vào một trong các ngày sau:
-
Sau lễ cúng ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp)
-
Vào ngày Tất niên
-
Sau ngày Rằm tháng Chạp
Tất cả các thời điểm trên đều phù hợp.
Lễ cúng tạ đất thể hiện lòng biết ơn đối với các vị thần linh như:
-
Thổ Công
-
Thổ Địa
-
Táo Quân
... đã che chở, hộ trì cho gia đình trong suốt một năm qua.
Không chỉ cúng riêng Thổ Công hay thần đất, mà nên tạ lễ tất cả các chư vị đang nương tựa nơi đất, cây, nước... trong khuôn viên sống của mình.
Dâng lễ với tâm thành kính, có thể sám hối nếu vô tình xúc phạm đến nơi ở của họ.
Làm lễ tạ đất cuối năm theo tinh thần Phật giáo
Việc lễ tạ đất vào cuối năm là một phong tục tốt đẹp, mang tinh thần đền ơn đáp nghĩa, biết ơn những lực lượng vô hình đã hộ trì, giúp đỡ trong suốt năm qua. Dân tộc ta từ ngàn đời nay luôn mang tinh thần:
-
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
-
Uống nước nhớ nguồn
Theo dân gian, người ta tin rằng “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, nhà nào cũng có Thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ, cai quản và bảo hộ đất đai, gia cư. Tâm lý cuối năm làm ăn bình an, thành tựu là có ơn của các vị thần linh phù hộ – việc tạ ơn là thiện tâm, rất đáng trân trọng.
b. Quan điểm của Phật giáo về việc cúng tạ đất
Phật giáo không phủ nhận sự tồn tại của chư thần, vong linh, quỷ thần. Trong Kinh Địa Tạng có nói rõ về:
-
Thần núi, thần sông, thần biển, thần cây, thần đất...
-
Kiên Lao Địa Thần – vị thần cai quản các cõi đất
Phật tử có thể làm lễ cúng tạ đất với lòng biết ơn, nhưng cần làm sao cho đúng pháp, mang lại nhiều phước báu, thì nên lưu ý:
c. Cách cúng tạ đất đúng với tinh thần Phật giáo
-
Dâng cúng mâm cơm chay tịnh, tránh sát sinh, thịt rượu.
-
Khi cúng, thỉnh chư thần linh đến chứng giám lòng thành.
-
Tác phước cúng dường Tam Bảo, rồi hồi hướng phước báu cho các vị thần linh.
Vì sao lại như vậy?
-
Một số thần có thể thọ hưởng lễ vật, một số thì không thọ thực phẩm của loài người.
-
Tuy không thọ, nhưng họ chứng được tâm thành của chúng ta.
-
Khi thần linh được tăng thêm phước báu từ công đức cúng dường Tam Bảo, họ sẽ hoan hỷ và hộ trì mình mạnh mẽ hơn.