Khi vào chùa thường thấy có ban thờ Mẫu. Vậy ban thờ đó là thờ ai, và tại sao trong chùa lại có ban thờ Mẫu?
Hiện tượng “đa giáo” trong chùa – Lịch sử và lý do
Câu hỏi tại sao trong chùa lại có ban thờ Mẫu không mới, bởi vì hiện nay phần lớn người Việt Nam đã và đang sống trong môi trường tín ngưỡng đa thần, đa giáo. Trước đây, có một giai đoạn gọi là tam giáo đồng nguyên – tức là Phật, Thánh, Trời, Khổng, Lão, thậm chí cả Mẫu đều được thờ chung trong một không gian tín ngưỡng, thường là chùa.
Chúng tôi hay nói vui rằng, chùa giống như "Mặt trận Tổ quốc", tôn giáo nào cũng có mặt. Đây là hệ quả của yếu tố lịch sử: trong một thời kỳ, người ta tích hợp cả đạo Phật, đạo Lão, tín ngưỡng Trời, Mẫu... thậm chí cả Thành Hoàng làng cũng đưa vào chùa để thờ, cho tiện.
Về tín ngưỡng thờ Mẫu – Nguồn gốc và sự đa dạng
Chủ đề tín ngưỡng thờ Mẫu thực sự cần một chương trình riêng để nói cho đầy đủ, vì nó rất rộng và sâu sắc. Trước đây, chúng tôi có sưu tầm được gần cả nghìn trang tài liệu về tín ngưỡng thờ Mẫu – từ nhà văn hóa cho đến các học giả, ví dụ như nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng từng viết rất đầy đủ về tín ngưỡng này.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một dạng tín ngưỡng dân gian rất đặc trưng của người Việt, có từ thời Hùng Vương với hình ảnh các vị Thánh Mẫu, như Thượng Ngàn, Thoải Phủ, Mẫu Liễu Hạnh… Mỗi thời kỳ lại có cách lý giải và hiểu khác nhau. Có nơi xem Mẫu là nhân thần (người có thật được thờ phụng), có nơi xem là thiên thần hoặc hiện thân của các lực lượng tự nhiên.
Việc thờ Mẫu và hầu đồng trong chùa
Một số chùa có ban thờ Mẫu riêng, hoặc nhà thờ Mẫu riêng. Tại những nơi đó, đôi khi người dân tổ chức hầu đồng ngay trong khuôn viên chùa.
Câu hỏi đặt ra là: Việc hầu đồng tại nơi thờ Mẫu trong chùa có được không?
Câu trả lời là: không thể khẳng định là “được” hay “không được”, vì phụ thuộc vào tín ngưỡng và truyền thống của từng địa phương.
Nếu là tập tục có từ lâu đời và được cộng đồng chấp nhận thì họ có thể tiếp tục duy trì. Còn nếu gây tranh cãi, mất đi sự tôn nghiêm thì cộng đồng có thể điều chỉnh hoặc hạn chế.
Thực trạng thờ Mẫu hiện nay – Những biến tướng và hiểu sai
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người hiểu sai về tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì hiểu sai nên thực hành bị biến tướng, mất đi vẻ đẹp truyền thống. Nhiều nơi đã “tân hóa” tín ngưỡng thờ Mẫu theo hướng lệch lạc, làm mai một đi giá trị văn hóa gốc.
Tôi nhớ ngày xưa, mẹ tôi cũng thờ Mẫu tại nhà. Dù gia đình nghèo nhưng bà vẫn lập một bàn thờ Mẫu riêng. Hằng năm có những dịp lễ đặc biệt như tháng 3 lễ Mẹ, tháng 8 chầu Cha, bà đều đi lễ ở những nơi thờ Mẫu như phủ Giầy… rất thành kính. Nhưng bây giờ thì khác – nhiều người chỉ lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, làm sai lệch bản chất của nó.
Thậm chí, nếu tôi nói ra, có thể bị những người "tân tiến" phản đối, "ném đá" – nhưng thực tế là có những người sống nhờ vào tín ngưỡng thờ Mẫu, gọi là "lên đồng" hay "mở phủ", làm ăn từ đó. Tuy nhiên, dù thế nào, tôi vẫn rất tôn trọng tín ngưỡng thờ Mẫu.
UNESCO công nhận điều gì? – Sự thật cần làm rõ
UNESCO là tổ chức về văn hóa, không có chức năng công nhận tôn giáo. Họ không công nhận bất kỳ đạo nào cả – dù là đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay đạo Mẫu. Những gì họ công nhận là giá trị văn hóa – tương tự như công nhận Quan họ Bắc Ninh, Cồng chiêng Tây Nguyên, hay Tuồng chèo.
Vì vậy, từ nay nếu ai nói “UNESCO công nhận đạo Mẫu” – thì bạn hãy hiểu rõ: không phải đạo Mẫu, mà là tín ngưỡng thờ Mẫu, một nét văn hóa độc đáo của người Việt.