Trong đêm giao thừa, mọi gia đình thường chuẩn bị hai mâm cỗ để cúng – một mâm đặt trên bàn thờ gia tiên trong nhà và một mâm ngoài trời. Vậy ý nghĩa của hai mâm cỗ này là gì?
Theo quan niệm tâm linh, mâm cúng trên bàn thờ gia tiên là để mời ông bà, tổ tiên về sum vầy cùng con cháu, hưởng lộc cúng dường. Còn mâm cúng ngoài trời dành cho các vong linh không có nơi nương tựa, những người không đủ duyên để vào bàn thờ gia đình. Bởi theo tín ngưỡng, thế giới tâm linh cũng có trật tự riêng, không phải ai cũng có thể được mời lên bàn thờ để thọ hưởng lễ vật.
Ngoài việc bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cúng ngoài trời cũng thể hiện lòng từ bi, chia sẻ với những vong hồn lang thang, cô quạnh. Điều này giống như trong cuộc sống, khi chúng ta không chỉ quan tâm đến gia đình mà còn biết giúp đỡ những người xung quanh.
Trong đạo Phật, lòng từ bi là yêu thương tất cả chúng sinh, không chỉ riêng người thân của mình. Khi cúng ông bà tổ tiên, nếu quên đi những linh hồn đói khổ, thì cũng giống như việc ta chỉ quan tâm đến gia đình mình mà thờ ơ với người khó khăn ngoài xã hội.